Nhạc sĩ Nguyễn Bách và Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức chương trình The Piano sings 2014 tại Đà Lạt vào ngày 30-08 với mong muốn giúp bà bán xôi thích nhạc cổ điển
Nhân ngày Âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và dịp mừng lễ Quốc khánh, thành viên yêu nhạc tại Đà Lạt và du khách khắp nơi đổ về thành phố du lịch này nghỉ lễ sẽ được thưởng thức một chương trình âm nhạc thính phòng đặc biệt mang tên "The Piano Sings 2014 - Tiếng dương cầm hát 2014 " vào ngày 30/08.
Sau đây là cuộc phỏng vấn cùng Nhạc sĩ Nguyễn Bách - Hiệu trưởng Trường Âm nhạc B.A.C.H về những đặc điểm đặc sắc trong chương trình này
- Phóng viên: Tại sao ban tổ chức lại chọn Đà Lạt - một nơi kén khán giả, để làm điểm đến cho chương trình Tiếng dương cầm hát năm nay?
- Nhạc sĩ Nguyễn Bách: Năm năm qua từ khi Tiếng dương cầm hát năm đầu tiên ra đời, chúng tôi đều mong muốn chương trình ra khỏi không gian TP.HCM, đến nay mong muốn đó mới thành sự thật, theo đúng mục tiêu chúng tôi vạch ra là hướng đến khán giả phổ thông. Dù sao ở các thành phố lớn, khán giả có nhiều cơ hội tiếp cận với âm nhạc bác học, trong khi đó ở cao nguyên hay các tỉnh, thành khác rất hiếm và hầu như không có những chương trình nhạc như vậy. Đối với Đà Lạt, đây là đêm nhạc chưa bao giờ có. Chúng tôi không lo không có khán giả đến với chương trình. Hiện tại gần 400 vé mời của chúng tôi đã hết sạch.
- Phóng viên: Được biết đêm nhạc Tiếng dương cầm hát năm nay không bán vé, vậy Hội Nhạc sĩ Việt Nam lấy đâu ra kinh phí lo cho một đoàn nghệ sĩ hùng hậu lên Đà Lạt biểu diễn?
- Nhạc sĩ Nguyễn Bách: Đáng mừng là toàn bộ anh em nghệ sĩ đều hào hứng tham gia đêm nhạc mà không đòi hỏi một đồng cát sê nào, coi như cùng nhau làm một chuyến du lịch đáng nhớ. Hội chỉ có thể đứng ra lo cho các anh em xe cộ và chỗ ở thôi. Bù lại, chúng tôi được một số bạn bè thân thiết tài trợ một phần kinh phí. Còn Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng thì tài trợ điểm diễn. Năm nào cũng vậy, “khoản lãi” lớn mà chúng tôi có được chính là sự đồng lòng, tinh thần yêu âm nhạc nghệ thuật từ anh em nghệ sĩ đến bạn bè, các cơ quan nhà nước. Có một doanh nghiệp muốn tài trợ cho chúng tôi tất cả nhưng kèm theo điều kiện là đêm nhạc phải bán vé để họ thu lại, tôi đã dứt khoát từ chối.
- Phóng viên: Đêm nhạc sẽ có gì đặc sắc, thưa anh?
- Nhạc sĩ Nguyễn Bách: Tiếng dương cầm hát năm nào cũng có những điểm đặc biệt. Nếu như năm ngoái harmonica lần đầu tiên ra sân khấu nhạc thính phòng thì năm nay có cả Dàn nhạc Harmonica Việt Nam (VNHO) với đến 50 thành viên sẽ trình diễn. Đây cũng là dàn nhạc harmonica đầu tiên và duy nhất của nước ta.
Ngoài ra chương trình sẽ sử dụng các nhạc cụ chưa từng có ở Việt Nam hoặc đã “chết” như đàn accordéon, harmonica như tôi vừa nói. Có năm ca khúc nghệ thuật về Đà Lạt và cao nguyên, được trình bày theo phong cách nhạc thính phòng như Đà Lạt tình em, Tình ca Tigon, Mưa phùn cao nguyên… Trên tất cả, đêm nhạc không có chỗ cho cái gọi là “âm nhạc bác học”. Mỗi bản đàn đều không quá bảy phút, để những ai không thích còn khỏi ngủ gật. Giai điệu phải lôi cuốn, không cần biết bản nhạc đó thuộc thể loại gì, tám ô nhịp đầu nhất định sẽ phải làm nức lòng người nghe.
- Phóng viên: Hiện tại cùng với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, anh còn đang có những dự định gì dành cho âm nhạc bác học?
- Nhạc sĩ Nguyễn Bách: Mong muốn của chúng tôi là làm sao đem mô hình âm nhạc bác học đến với công chúng nhiều nhất. Mỗi năm chúng tôi lại có một câu chuyện khác để kể về piano để mỗi năm nhạc piano lại gần gũi với công chúng hơn. Chẳng qua đó là cách chúng tôi làm cho rõ ràng, sòng phẳng ra một điều: Âm nhạc bác học thực ra không bác học bởi vì nó xuất phát từ quần chúng. Tất nhiên quần chúng nghe nhạc cổ điển theo cách khác một nhà âm nhạc học nhưng ít ra họ cảm được rằng họ thích hay không thích ở chỗ nào. Đừng đánh đố họ mà hãy mang đến cho họ điều đơn giản nhất của âm nhạc cổ điển. Nếu anh làm tốt cái đơn giản thì anh mới là người cao siêu, nói cách khác là làm một việc bình thường với cái đầu phi thường hơn là làm một việc phi thường với cái đầu bình thường.
- Phóng viên: Theo anh điều phi thường cụ thể ở đây là gì?
- Nhạc sĩ Nguyễn Bách: Bảy phút để chúng tôi bày biện một bản đàn bác học bậc nhất trở thành giai điệu thân quen hấp dẫn khiến bác xe ôm, bà bán xôi cũng phải lắng tai nghe thì đúng là phi thường quá đi chứ.
- Phóng viên: Xin cảm ơn anh.
No comments:
Post a Comment