Monday, September 29, 2014

Mua sắm đàn organ cho các trường học: thiếu mà thừa

Hiện nay, trung bình mỗi trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh đều được trang bị đàn Organ, để phục vụ cho việc dạy và học môn âm nhạc. Việc mua sắm đàn Organ cho các trường là cần thiết, song hiện tại đang gây lãng phí rất lớn với tình trạng trùm chiếu.
Theo quy định chung của Bộ GD-ĐT, ở bậc Trung học (TH) và Trung học cơ sở (THCS) không có chương trình dạy đàn Organ cho học sinh (HS). Ngoài ra, cũng chưa có một văn bản nào quy định về việc phải mua bao nhiêu cây đàn Organ cho 1 trường học. Tuy nhiên, hiện nay số lượng đàn organ mà các trường TH, THCS trên địa bàn tỉnh được cấp rất nhiều, nhưng số đàn được sử dụng trong giảng dạy lại rất khiêm tốn. Phần lớn đàn Organ ở các trường được "đắp chiếu" yên vị trong nhà kho.
Trường THCS Tân Hưng (TP. Bà Rịa) được đưa vào sử dụng tháng 4-2013. Cùng lúc, nhà trường cũng tiếp nhận 21 cây đàn Organ Casio. Vì trường mới xây dựng nên bộ môn âm nhạc được bố trí 2 phòng học riêng biệt. Tuy nhiên, trường chỉ có 1 giáo viên (GV) dạy nhạc và 1 tuần thì mỗi lớp chỉ có 1 tiết nhạc. Vì thế, Trường THCS Tân Hưng chỉ sử dụng duy nhất 1 chiếc đàn để GV đánh đệm hỗ trợ cho HS hát. Số còn lại được nhà trường đóng gói, xếp cất ở phòng thư viện. Thầy Nguyễn Khoa Đông, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Hưng cho biết, số tiết học nhạc của HS rất ít nên nhà trường chỉ bàn giao 1 chiếc đàn cho GV dạy nhạc. 20 chiếc còn lại, nhà trường cất đến khi nào có hoạt động văn nghệ thì mới đưa ra sử dụng.

mua sam dan organ cho cac truong hoc
Mỗi trường chỉ sử dụng một cây đàn để giáo viên đệm hỗ trợ cho học sinh khi hát, số đàn còn lại được các trường đóng gói, cất trong kho. Trong ảnh: Một tiết dạy âm nhạc tại Trường THCS Thắng Nhì (TP. Vũng Tàu).

Tương tự, Trường TH Trưng Vương (huyện Tân Thành) cũng được bàn giao 41 cây đàn Organ hiệu Yamaha từ năm 2010 khi trường mới đưa vào sử dụng. Kể từ đó đến nay, toàn bộ số đàn nêu trên được nhà trường cho “trùm mền” ở trong kho. Do không được sử dụng, lại không được bảo dưỡng thường xuyên nên các linh kiện điện tử bên trong một số cây đàn có dấu hiệu hư hỏng. Cô Tống Thị Thuần, Phó Hiệu trưởng Trường TH Trưng Vương cho biết, nhà trường chỉ có 1 GV dạy nhạc nên chỉ cấp 1 cây đàn cho GV dạy. Hơn nữa, trong chương trình học không có nội dung dạy đàn Organ cho HS. Vì thế, việc cấp cho nhà trường 41 cây đàn Organ là rất lãng phí, trong khi các GV trong trường không am hiểu về đàn nên không biết bảo trì khiến đàn nhanh hỏng.
Không chỉ có Trường THCS Tân Hưng, TH Trưng Vương mà nhiều trường học khác cũng rơi vào trường hợp tương tự. Trường THCS Thắng Nhì (TP.Vũng Tàu) cũng được cấp 24 cây đàn Organ hiệu Yamaha. Nhưng nhiều năm học qua, nhà trường chỉ sử dụng 1 cây đàn để GV đệm nhạc cho HS hát khi dạy. Nhà trường cũng không cho HS sử dụng đàn vì GV dạy nhạc không thể quản lý nổi HS khi mỗi em dùng 1 cây đàn. Do đó, 23 cây đàn còn lại, nhà trường chất vào kho. Vì đàn được cấp đã khá lâu, nhà trường không sử dụng và không bảo quản cẩn thận nên khoảng 1/2 số đàn đã hư hỏng, không còn sử dụng được nữa.
Rõ ràng, việc cấp đàn với số lượng quá nhiều cho các trường nhưng chưa sử dụng hết đã gây lãng phí rất lớn. Các trường vẫn chưa tìm ra được các biện pháp khắc phục, bởi việc trang bị đàn Organ do đơn vị khác mua sắm.
Được cấp thì cứ nhận
Theo tìm hiểu, được biết, nguyên nhân dẫn tới thực trạng này là trong quá trình đầu tư thi công mua sắm các công trình trường học, chủ đầu tư không tham khảo ý kiến của các trường về nhu cầu cần mua sắm các trang thiết bị. Vì thế, chủ đầu tư không biết các trường cần và ưu tiên đầu tư những thiết bị cần thiết nào để phục vụ cho việc dạy và học. Do đó, các chủ đầu tư đã mua sắm quá nhiều những dụng cụ không cần thiết cho trường, trong đó có đàn Organ. Cho nên, nhiều trường học rơi vào hoàn cảnh giống nhau, những dụng cụ cần thiết thì không được cấp, những dụng cụ được cấp thì lại không sử dụng đến.

mua sam dan organ cho cac truong hoc
Phần lớn đàn Organ không được sử dụng đến phải “trùm mền” trong kho. Trong ảnh: Đàn Organ của trường THCS Tân Hưng (TP.Bà Rịa) được chất thành đống trong phòng thư viện.
Thầy Nguyễn Khoa Đông, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Hưng (TP.Bà Rịa) cho biết, khi trường có kế hoạch xây mới, Ban giám hiệu nhà trường không được chủ đầu tư hỏi ý kiến về việc mua sắm dụng cụ dạy và học cho trường. Vì thế, đến ngày khánh thành và đưa vào sử dụng, chủ đầu tư cấp cho cái gì thì cứ nhận cái đó. Cô Lưu Thị Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Thắng Nhì (TP. Vũng Tàu) cho rằng, việc cấp đàn Organ để các trường dạy nhạc cho HS là cần thiết. Nhưng trước khi lên danh sách, hạng mục mua sắm trang thiết bị cho các trường, chủ đầu tư nên tham khảo ý kiến của Ban giám hiệu nhà trường để mua những dụng cụ mà trường đang cần, chứ không phải cái gì thiếu là cứ mua sắm đại trà. “Như trường chúng tôi được cấp 24 cây đàn, bây giờ nói thiếu cũng đúng mà nói thừa cũng không sai. Thiếu là do không đủ để trường cho mỗi em sử dụng 1 cây đàn trong tiết học nhạc, với lại, theo quy định, HS bậc THCS không có chương trình dạy đàn mà GV chỉ dạy cho các em biết những kiến thức cơ bản về hát. Vì vậy, tôi nghĩ mỗi trường chỉ cần cấp 2-3 cây đàn là vừa, không nên mua nhiều, không sử dụng đến thì rất lãng phí” - cô Hương nói thêm.
Thực tế, hiện nay, mỗi trường TH và THCS có khoảng từ 20-40 cây đàn Organ các loại. Tính theo giá thị trường, mỗi cây đàn có giá từ 3 triệu đồng trở lên (tùy loại và nhãn hiệu). Theo phép tính này thì số tiền được dùng để mua sắm đàn Organ phải bỏ ra ở mỗi trường gây lãng không hề nhỏ. Thực trạng này đã kéo dài nhiều năm qua nhưng ngành giáo dục cũng như các ngành liên quan chưa tìm ra được giải pháp khắc phục.
Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG

No comments:

Post a Comment