Trong thời gian diễn ra triển lãm, ban tổ chức để các sinh viên giỏi hoặc giảng viên ngành piano được thử ngón đàn trên nhạc cụ quý, có tuổi đời gần một thế kỷ.
Từ ngày 30/9 đến ngày 15/10, tại số 52 Đặng Dung, phường Tân Định, quận 1, TP HCM diễn ra buổi triển lãm 9 cây đàn dương cầm cổ. 9 cây đàn piano này nằm trong bộ sưu tập của anh Trần Việt Tiến, một doanh nhân ngành thủ công mỹ nghệ vốn mê đàn cổ.
Trong không gian mở, triển lãm chào đón những người yêu nhạc, nhất là các sinh viên, giảng viên nhạc viện hoặc nghệ sĩ đến thử ngón đàn trên các nhạc cụ quý hiếm này.
Anh Việt Tiến chia sẻ, thú sưu tập đàn piano xuất xứ từ châu Âu đến với anh chưa lâu nhưng anh không dứt ra được vì mê mẩn vẻ đẹp cổ kính của chúng. Ý tưởng việc sưu tầm này đến từ một lần anh đi mua đàn cho con mình học nhạc. Tậu cho con chiếc đàn đầu tiên, anh bắt đầu hành trình tìm hiểu về lịch sử đàn dương cầm, nhất là văn hóa âm nhạc piano lan truyền đến Việt Nam vào thế kỷ 20, khi đàn piano hiện diện trong nước từ thời kỳ Pháp thuộc.
"Do điều kiện kinh tế, cuộc sống của người dân Việt Nam còn khó khăn nên việc chơi đàn piano thời đó chưa thịnh hành. Vào thập niên 1990 bắt đầu xuất hiện các cây đàn piano xuất xứ từ Nhật Bản - đây là dòng đàn theo phong cách hiện đại, được sản xuất công nghiệp đại trà với chất lượng ngày một cải thiện, giá cả phù hợp với người chơi đàn. Điều này dần bóp chết nhiều thương hiệu piano xuất xứ từ châu Âu", doanh nhân chia sẻ.
Hơn 10 năm trở lại đây, khi đời sống kinh tế tốt hơn, mọi người tiếp cận với đàn piano gần gũi hơn. Dù vậy, thống trị trong thị trường âm nhạc vẫn là đàn piano đến từ Nhật Bản. "Đi đâu cũng thấy đàn Nhật Yamaha, Kawai, Apolo... Đàn piano xuất xứ từ châu Âu đắt đỏ với người dân Việt Nam, dù ai cũng biết, cũng hiểu về đẳng cấp piano ở những buổi hòa nhạc quan trọng chắc hẳn phải là cây đàn châu Âu như Steinway", anh Việt Tiến nhận xét.
Anh Vĩnh Lạc, một khán giả tham dự buổi khai mạc triển lãm piano cổ, chia sẻ ngón đàn trên ba chiếc dương cầm để giúp khán giả nhận ra được sự khác biệt trong âm thanh của chúng.
|
Từ đó, vị doanh nhân nảy ra ý nghĩ tìm mua những chiếc đàn cổ ở châu Âu mang về Việt Nam để phục dựng. Công việc này đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, và sự tỉ mỉ. Điều quan trọng trong công đoạn phục dựng là giũ bỏ "lớp bụi" bám trên cây đàn nhưng không làm mất đi giá trị thời gian ở chúng. Mỗi cây piano cổ như tác phẩm nghệ thuật mang cảm xúc của những người thợ thủ công, từ những nét chạm trỗ bằng tay khéo léo, sự tinh tế của các cấu kiện từ những vật liệu gỗ thô mộc làm nên những nốt nhạc thanh tao, mộc mạc.
Dự buổi khai mạc triển lãm có đạo diễn Tất My Loan, sinh viên nhạc viện và đông đảo bạn bè của anh Trần Việt Tiến. Khán giả Vĩnh Lạc, người rất mê piano và từng có thời gian cộng tác tại các nhà hát ở Mỹ trong lĩnh vực nhạc giao hưởng, chia sẻ triển lãm này khá độc đáo, ít gặp ở các nước trên thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam.
"Theo thời gian, cây đàn piano đã tạo nên một bề dày văn hóa với âm nhạc cổ điển. Nhiều nhạc sĩ nổi tiếng như Mozart, Beethoven, Bach... sáng tác ra những tác phẩm bất hủ trên những cây piano được thay đổi qua từng thời kỳ, giai đoạn đánh dấu riêng về văn hóa, lịch sử châu Âu. Thật tuyệt vời nếu các sinh viên, giảng viên âm nhạc có cơ hội ngồi đánh đàn trên chính những chiếc đàn của giai đoạn lịch sử đó", anh Vĩnh Lạc nói.
No comments:
Post a Comment